GIỚI THIỆU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 19
Số lượt truy cập: 1545494
QUẢNG CÁO
TẾT ĐỘC LẬP QUÊ TÔI... 8/28/2019 2:09:52 PM
Cách đây tròn 74 năm, trong những ngày Tháng Tám năm 1945 hào hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên lật đổ ách áp bức thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một trang sử mới, chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
70 năm đã đi qua từ mùa thu năm ấy, nhưng trong thẳm sâu ký ức của người dân Quảng Bình, hình ảnh về những tháng ngày cờ đỏ sao vàng rực rỡ với niềm hạnh phúc vô bờ khi chính quyền về tay nhân dân, vẫn còn sống động. Thời gian đi qua, dù rất nhiều người trực tiếp chiến đấu giành chính quyền mùa thu năm 1945 lịch sử đã ra đi, thì ký ức hào hùng đó vẫn được truyền lại qua nhiều thế hệ cháu con. Và hôm nay, trên mặt trận mới, hào khí của những ngày Tháng Tám tiếp tục là động lực to lớn để bao thế hệ cháu con bước tiếp trên hành trình xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cứ mỗi độ tháng 8 thu về, hàng ngàn người con Lệ Thủy – quê hương Đại tướng Vo Nguyên Giáp (Lệ Thủy – Quảng Bình)- sinh sống trên mọi miền đất nước đều mong muốn trở về quên hương mừng Tết Độc lập 2-9 để đắm mình trong những điệu hò khoan đằm thắm, mượt mà và vui cùng lễ hội đua thuyền truyền thống trên dòng Kiến Giang. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân lệ Thủy. Nó chưa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây. Không chỉ vậy, đua thuyền truyền thống Lệ Thủy vào dịp tết độc lập của dân tộc 2-9, đang thể hiện sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ ra các vùng, miền xung quanh như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hay Đà Nẵng. Đây thực sự là hoạt động văn hóa tinh thần rất có giá trị, mang sắc thái văn hóa riêng của Lệ Thủy, xứng đáng là một di sản văn hóa vô giá. Đúng như nhiều người đã từng nhận xét: "Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy náo nhiệt, đông vui ít nơi nào có được. Không có kỷ lục nào cao hơn kỷ lục khán giả Lệ Thủy hâm mộ môn đua". Ngày lễ Quốc khánh 2-9 lại về, "Đến hạn lại lên", người dân Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày hội, ngày tết độc lập – một nét văn hóa độc đáo, một ngày hội ý nghĩa, là niềm tự hào riêng của mảnh đất và con người xứ Lệ. Chẳng vì thế hàng chục năm qua, người dân quê hương Đại tướng luôn nhắc nhở nhau:

“Dù ai đi đâu về đâu

Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà

Về xem lễ hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay…”.

Đặc biệt năm nay, lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy quê tôi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Điều đó càng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong ngày Tết độc lập này. Dòng sông Kiến Giang chạy qua sau lưng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khúc hát sông quê này là nơi ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm êm đềm tuổi thơ của Đại tướng. Trước đây, mỗi dịp ngày 2/9, Đại tướng đều sắp xếp để về ăn tết Độc lập với bà con quê hương, năm nào bận việc nước Đại tướng không về được thì gia đình Đại tướng về. Đứng bên dòng Kiến Giang, lòng người như chùng xuống khi nghĩ tới hình ảnh Đại tướng lên thuyền đi dọc bờ sông động viên các đội bơi và căn dặn bà con quê hương gìn giữ truyền thống cách mạng, giữ gìn ngày hội lễ tết Độc lập hàng năm. Hoạt động rất có ý nghĩ được chính quyền và nhân dân ở huyện Lê Thủy, Quảng Bình tổ chức vào dịp Tết Độc lập là công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Tất cả gia đình chính sách đều được chính quyền và người dân quan tâm, giúp đỡ để có cái Tết đủ đầy, ấm áp, trọn hiếu, vẹn tình.  

0208pv01.jpg

Người dân Lệ Thủy nhớ mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thuyền đi dọc sông Kiến Giang động viên các đội bơi và nhân dân.


Chuẩn bị đón Tết Độc lập, bà con ở Lệ Thủy quét dọn đường làng, ngõ xóm để đón con em ở xa. Nhà nhà đều treo cờ đỏ sao vàng tung bay trước hiên nhà. Từ sáng sớm ngày 2/9, những mẹ, những chị dậy từ lúc gà vừa gáy dứt canh năm để sửa soạn mâm cỗ cũng ngày lễ tết. Nhiều nhà đồ xôi nếp mới, làm gà, mua sắm mâm hoa quả làm sạch sẽ tinh tươm đặt lên bàn thờ, thắp nhang tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ và các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để đất nước có ngày Tết Độc lập, bày tỏ lòng biết ơn công lao của tổ tiên, cha mẹ. Sau đó mọi người kéo nhau về hai bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng xem lễ hội đua thuyền, một lễ hội có từ 500 năm trước.

Trước khi vào cuộc đua, các làng đã chuẩn bị vô cùng kỳ công, nào là việc chọn gỗ, thợ thầy có bí quyết nhà nghề để đóng những con thuyền đua đầy đủ tiêu chuẩn thân dài, thon nhẹ, mũi nhọn, độ lướt nhanh. Ngoài ra, các làng còn lựa chọn đội trai bơi, gái đua dày dặn kinh nghiệm, sức khỏe tốt. Đặc biệt là mỗi thuyền muốn giành giải phải có một người cầm lái kỳ cựu, biết tìm, lựa chọn một đường đi ngắn nhất để tiến về đích.

0208pv02.jpg



 

Đến ngày hội đua chính thức, dân các vùng trong huyện Lệ Thủy thường tụ tập từ rất sớm nhằm chiếm được chỗ ngồi xem tốt nhất bên bờ sông. Không chỉ có người dân Lệ Thủy, hàng nghìn người dân ở các nơi khác trong tỉnh như Ðồng Hới, Quảng Ninh, Quảng Trạch... cũng náo nức đua nhau về Lệ Thủy để xem lễ hội đua thuyền. Vì thế, trong ngày lễ hội đua thuyền dọc bờ sông Kiến Giang đông kín người, từ các cụ già cho đến các cháu bé.... Từ rạng sáng các thuyền lần lượt nối đuôi nhau diễu hành trên sông, sau đó xếp hàng vào vị trí xuất phát. Giây phút hồi hộp nhất vào thời điểm hiệu lệnh buông phao nổi lên với tiếng trống thúc dục liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người trên hai bờ sông động viên trai bơi, gái đua trong cuộc tranh tài. Đường bơi trong các cuộc đua thường trên dưới 20 km tùy theo giải xã, cụm hay huyện. Tuyến đường bơi độc nhất thường chọn từ trước đến nay là thượng tiêu cầu Trạm (xã Mỹ Thủy) qua chợ Thùi - Phú Thọ (xã An Thủy) và hạ tiêu mũi Viết Thượng Phong (thị trấn Kiến Giang) vừa là điểm buông phao, vừa là nơi về đích.




Trong suốt cuộc đua diễn ra, người người đứng chen chân dọc hai bên bờ sông để xem những cuộc giành giật, bứt phá ngoạn mục, bất ngờ của các đội. Khi thuyền đua đến khúc sông nào thì người dân hai bờ sông dùng nón, mũ, trống... cổ vũ cuồng nhiệt. Có những người dân nhào hẳn xuống sông khoát nước để động viên, tạo niềm hưng phấn cho các đội thuyền đua. Thanh niên nam nữ các làng có thuyền đua cầm cờ Tổ quốc, chạy bộ dọc theo hai bờ sông hò la, cổ vũ, động viên các thuyền đua... Con em quê hương Lệ Thủy làm ăn, công tác ở xa quê, vào dịp tổ chức lễ hội đua thuyền Tết Ðộc lập cũng thường tìm mọi cách để về dự lễ, để bạn bè anh em có dịp gặp nhau sau một năm... Phần thưởng mang về từ đua thuyền không lớn, giá trị vật chất không nhiều, nhưng thật sự là niềm tự hào của những làng có thuyền bơi nam, thuyền đua nữ được giải. Ðáng nói hơn, trong niềm hân hoan của người dân xứ Lệ thì dù thuyền bơi có đoạt giải hay không, làng nào cũng tổ chức liên hoan ăn mừng ngày Tết Ðộc lập, mừng ngày hội lớn của quê hương và chiếc thuyền bơi của làng đều được dân làng nâng niu cất giữ cẩn thận.

Năm 2006, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên Kiến Giang được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hóa, thể thao tiêu biểu cấp tỉnh. Đây thực sự là một hoạt động văn hóa có giá trị tinh thần, mang sắc thái riêng của Lệ Thủy, xứng đáng là một nét văn hóa vô giá tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy ngày càng rộng khắp hơn. Qua những lần mở hội đua thuyền, nhiều tên làng, tên thôn mãi mãi ghi đậm dấu ấn trong lịch sử đua bơi của Lệ Thủy. Đó là thông Vinh Quang (xã Sơn Thủy), Hồng Thủy, Mỹ Lộc Hạ, Xuân Hồi, Xuân Giang, An Xá, Đại Phong,... Ấn tượng là thuyền bơi thôn Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) nhiều lần đoạt chức vô địch liên tiếp, được nhận cúp luân lưu vĩnh viễn.




Đặc biệt, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, gia đình nào ở Lệ Thủy cũng có bàn thờ Bác ở vị trí trang trọng. Và năm nay, trên bàn thờ của mỗi gia đình ở huyện Lệ Thủy đã đặt thêm di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài của quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình. Vào mỗi dịp Quốc khánh 2-9, cùng với việc tham gia lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, nhà nhà ở Lệ Thủy còn gói bánh trái, mua hoa quả, làm mâm cơm kính dâng lên bàn thờ Bác, tưởng nhớ đến công ơn trời biển của Người. Theo các cụ cao niên ở Lệ Thủy, người dân xứ Lệ làm cơm dâng lên bàn thờ Bác, là để nhắc nhở các thế hệ con cháu mãi mãi biết ơn sự hy sinh xương máu giành độc lập, tự do cho dân tộc của thế hệ cha ông; từ đó thế hệ hôm nay hãy sống xứng đáng hơn với sự hy sinh cao cả ấy. Chính vì thế, ngày Tết Độc lập đã trở thành một ngày thiêng liêng, mang màu sắc đặc trưng văn hóa riêng của huyện Lệ Thủy - nơi được mệnh danh là quê hương “Hai giỏi”, nổi tiếng với phong trào “Gió Đại Phong. Sóng Duyên Hải. Cờ Ba Nhất”, lừng lẫy trận chiến thắng Xuân Bồ và quê hương của các chị pháo binh Ngư Thủy anh hùng...

Ngày lễ Quốc khánh 2/9 lại về, người dân Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày hội, ngày Tết Độc lập - một nét văn hóa độc đáo đầy ý nghĩa, là niềm tự hào riêng có của mảnh đất và con người xứ Lệ nói riêng, của tỉnh Quảng Bình nói chung. Vâng, mùa thu nay khác rồi, quê nhà đang rộn ràng khúc ca xây dựng hướng tới tương lai bền vững. Mãi mãi hào khí của mùa thu năm xưa vẫn còn vang vọng, là động lực, là lời nhắc nhở để những thế hệ con cháu tiếp bước cha anh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của những người đi trước.

Lệ Thủy tháng 8/2019.

Hạc Hải (GT)
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Lê Thị Trâm
Lê Thị Trâm
Hiệu trưởng
Võ Thị Trang
Võ Thị Trang
Admin
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG MẦM NON HƯNG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3959288 * Email: mnhungthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com