Học sinh THCS Liên Thủy cúi đầu tưởng nhớ thầy Võ
Vĩnh Hào trong giờ học Ngữ văn của thầy Đỗ Đức Thuần
Các cấp
ủy Đảng, Chính quyền huyện Lệ Thủy, các cơ quan ban ngành cùng các thế hệ giáo
viên và học sinh, bà con xa gần khắp mọi nơi gửi lời vĩnh biệt chân thành nhất
đến nhà giáo Võ Vĩnh Hào, một trong những cánh chim đầu đàn của giáo dục Lệ
Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung! Sự tận hiến trong hơn 30 năm công tác
trong ngành giáo dục của Thầy lúc làm giảng viên Trường
Đại học Sư phạm Quy Nhơn đến khi làm chuyên viên, giáo viên, lãnh đạo cao nhất
của GD&ĐT Lệ Thủy là vô cùng đáng kính, khắc nhớ. Bảng vàng, bia đá sẽ mòn,
nhưng vốn tri thức dày dặn, nhiệt huyết, lối sống mẫu mực cùng tấm lòng nhân ái
của thầy sẽ được ghi tạc trong lòng những ai đã từng công tác, làm việc và tiếp
xúc với Thầy.
Là người trực tiếp được thầy rèn luyện,
đào tạo nên nghề, nên người tôi không thể nào quên được phong thái điềm tĩnh,
hồn hậu, ấm áp nhưng nghiêm nghị, khẳng khái của thầy. Xin được bày tỏ sự tri
ân sâu sắc đến Thầy - người thầy của nhiều người thầy. Giáo dục Mầm non, giáo
dục Tiểu học, chất lượng đại trà THCS,
Giáo dục Miền núi, chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi, công tác phổ cập, phong
trào học sinh năng khiếu, đưa hò khoan vào trường học, thực hiện đề án ngoại
ngữ, đưa công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục, công tác phổ cập bơi…của
huyện Lệ Thủy qua mỗi giai đoạn khác nhau cũng không thể nào phai mờ dấu ấn và
vai trò đặc biệt của Thầy trong những năm tháng qua.
Sự tưởng nhớ, lòng kính trọng xin được
gửi đến người thầy luôn làm việc không hề nghĩ đến bản thân mình. Sự nghiêm
khắc mà bao dung của Thầy đã làm cho nhiều thế hệ giáo viên lớn lên, trưởng
thành. Sự đột phá trong tư duy giáo dục và kiên trì, kiên định đã làm nên học
hiệu Lệ Thủy trứ danh trong hơn một thập kỷ qua. Với những ai chưa tiếp xúc với
Thầy sẽ thấy có “khoảng cách” khó gần nhưng đằng sau đó là sự thấu cảm, thấu
hiểu và lòng nhân ái Thầy dành cho những số phận khó khăn, những mảnh đời bất
hạnh và những nhân tố cần tiếp lửa để tỏa sáng.
Sinh thời, thầy luôn đi đến vùng núi,
vùng biển. Thầy đến những nơi nào giáo dục còn khó khăn, cần chia sẻ, động
viên. Thầy ân cần căn dặn từng người, từng việc để công việc hoàn thành tốt
nhất. Hình ảnh chiếc xe máy Dream hiệu China gần gũi, thân quen mà vô cùng ấm
áp luôn bên thầy cùng nụ cười đôn hậu trong những chuyến đi làm tôi nhớ nhất. Ánh
mắt trìu mến, bàn tay nắm chặt và khuôn mặt rạng ngời khi đi kiểm tra tình hình
lũ lụt, công tác phòng chống bão lũ đã nói lên tất cả. Thầy luôn căn dặn chúng
tôi: “Muốn người khác trọng mình thì phải học cách tôn trọng họ trước. Ai cũng
có công việc riêng. Người nào làm tốt công việc của họ. Đó là người giỏi, người
tốt.”
Trong những ngày qua, những lời nguyện
cầu dành cho Thầy trong tang lễ và trên facebook là món sự tri ân, quý trọng
không gì có thể ý nghĩa hơn. Nói như thầy giáo Hoàng Gia thì “đó là gia tài vĩ
đại nhất thầy Võ Vĩnh Hào để lại”. Những
lời nguyện cầu từ đáy lòng và cả đôi mắt rưng rưng, rơi lệ của hoặc các biểu
tượng buồn, trạng thái tiếc thương đã khẳng định vị trí lớn lao của người Thầy
trong lòng bao người.
Chúng tôi biết ơn Thầy với những lời răn
dạy và cách tiếp sức, giúp đỡ trong những chặng đường khác nhau để hôm nay mọi
người ai cũng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Triết lý sống của Thầy trong
những tin nhắn, những cuộc trò chuyện đời thường rất giản đơn và đẹp đẽ: “Các
em cố gắng nghĩ thiện, tích thiện và hành thiện. Các em phải luôn phát hiện ra
cái giá trị, điều tốt, những tấm gương sáng trong cuộc sống để lựa chọn, suy
nghĩ và hành động đầy nhân ái, bao dung”.
Làm sao chúng tôi có thể quên được thầy
căn dặn học sinh kiểm tra bút, thước khi bước vào phòng thi. Sao có thể quên
được thầy chỉ đạo có đủ khăn ấm để sưởi ấm cho học sinh năng khiếu sau mỗi kỳ
thi cấp huyện, cấp tỉnh. Tôi còn nhớ rõ lời căn dặn của Thầy: “Học sinh của Lệ Thủy
đa phần khó khăn, các em phải yêu thương các em nhiều hơn nữa, quan tâm đến học
sinh nhiều hơn nữa. Các em làm chủ nhiệm, thế đã biết hết nhà học sinh chưa?”
Những lời dạy của thầy Võ Vĩnh Hào được
chúng tôi khắc ghi và thực hiện trong từng việc làm. Các học trò của Thầy cứ
thế lớn cùng sự nhân ái. Như một mầm cây non nớt, lòng yêu thương con người cần
được chăm bón, tưới tắm để vạm vỡ, khỏe mạnh. Nay, Thầy đã đi xa nhưng cây Nhân
ái thầy chăm sóc đã trưởng thành, tỏa bóng mát và vô cùng ấm áp.
Xin nói ngàn lời thương tiếc, tiễn biệt
Thầy!
Ngô Mậu Tình